Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Qui định hiện hành về giải quyết khiếu nại

TP. Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường chất lượng thụ lý, giải quyết lần đầu các vụ khiếu nại, tranh chấp đất đai, đảm bảo đúng thời hạn giải quyết vụ việc. Trong quyết định giải quyết, UBND các quận, huyện, thị xã qui định quyền của người có đơn được khiếu nại tiếp tới UBND TP hoặc khởi kiện tại Toà án.

UBND TP cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường công tác tiếp công dân, nâng cao chất lượng quản lý hồ sơ, việc thụ lý, giải quyết các vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ các qui định của pháp luật.

Năm 1998, Luật Khiếu nại, tố cáo được Quốc hội thông qua với những quy định phù hợp hơn với quá trình đổi mới. Theo Luật này, trường hợp phổ biến là được khiếu nại hành chính 2 lần, lần đầu là khiếu nại trực tiếp lên cơ quan ban hành quyết định hành chính và lần thứ hai khiếu nại lên cơ quan hành chính cấp trên hoặc khởi kiện ra toà án.

Qui định hiện hành về giải quyết khiếu nại hành chính trong quản lý đất đai:

1. Các quyết định hành chính của UBND cấp nào mà bị khiếu nại thì UBND cấp đó có trách nhiệm giải quyết lần đầu.

2. Khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của UBND cấp huyện thì có quyền lựa chọn hoặc khởi kiện ra toà án hành chính hoặc tiếp tục khiếu nại lên UBND cấp tỉnh để được giải quyết.

3. Khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND cấp tỉnh thì có quyền khởi kiện ra toà án hành chính mà không được tiếp tục khiếu nại lên các cơ quan Trung ương.

Do tình trạng chất lượng giải quyết khiếu nại lần cuối cùng của các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh không cao nên Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung Luật này vào năm 2004 tập trung vào cơ chế giải quyết tiếp tục các quyết định giải quyết cuối cùng mà có biểu hiện vi phạm pháp luật và các khiếu nại phức tạp có liên quan tới nhiều Bộ, ngành, nhiều địa phương. Luật này lại được sửa đổi, bổ sung lần nữa vào năm 2005 cho phù hợp với yêu cầu của Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, trong đó nội dung chính là:

- Không sử dụng thuật ngữ quyết định giải quyết cuối cùng của cơ quan hành chính buộc phải thi hành mà gọi là quyết định giải quyết lần thứ hai, người khiếu nại có quyền tiếp tục khởi kiện ra Toà án hành chính;

- Có quy định cụ thể về kỷ luật đối với người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại nhưng không giải quyết hoặc giải quyết muộn hơn thời hạn theo quy định;

- Cụ thể hoá một số nội dung của quá trình giải quyết, nội dung của quyết định giải quyết;

- Cho phép người khiếu nại sử dụng trợ giúp pháp lý của luật sư.

Những đổi mới như vậy bảo đảm tính phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế về quyền cơ bản của công dân.

Như trên đã nói, khiếu kiện của dân về đất đai trong vài năm nay đã chiếm tỷ lệ trên 70% tổng khiếu kiện của dân. Như vậy, việc giải quyết khiếu kiện về đất đai cần được đổi mới ít nhất là cùng nhịp với sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, tố cáo vào năm 2005. Thực tế lại không như vậy. Quy định về giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai trong Luật Đất đai 2003 lại bị bó lại với tinh thần: (1) Trung ương không giải quyết để tránh khiếu kiện của dân đối với đất đai đổ về Trung ương, tăng cường trách nhiệm giải quyết cho địa phương;

(2) tăng cường trách nhiệm giải quyết cuối cùng cho toà án nhân dân.

Sự thực, cách tốt nhất để khiếu kiện của dân về đất đai không tràn lên Trung ương là phải giao cho một cơ quan trung ương đối mặt với sự việc, tham gia vào giải quyết. Người dân không tin vào chất lượng của địa phương, người dân đang cần tới sự công tâm của Trung ương, Trung ương không thể bỏ mặc. Một lần nữa chúng ta lại thấy: "Cấm" không phải là cách đúng để điều không mong muốn sẽ không xẩy ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét